Cơn sốt thời trang “mỳ ăn liền” H&M, Zara, Uniqlo khoác áo hàng xa xỉ

Hội tụ anh tài

Sau khi H&M, Zara nhanh chân có mặt tại Việt Nam, “ngôi sao” ngành thời trang nhanh Australia, Cotton On (thuộc Cotton On Group) cũng tham gia thị trường. Đặc biệt, các thương hiệu này đang chạy đua với chiến dịch bắt tay các nhà mốt của hãng thời trang xa xỉ để tạo nên cơn sốt theo mùa.

Cotton On đang điều hành 8 thương hiệu: Cotton On, Cotton On Body, Cotton On Kids, Rubi, Typo, Cotton On LOST, Factorie và Supré. Thương hiệu Rubi và Typo đang chuẩn bị khai trương cửa hàng tại Vincom Thảo Điền (TP.HCM) và Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội).

Tổng giám đốc Cotton On Group, ông James Lavdas tin tưởng, với phong cách giản dị của Australia, sản phẩm đặc biệt của thương hiệu sẽ mang đến sự cộng hưởng với những khách hàng muốn tiếp cận các sản phẩm theo xu hướng dễ dàng nhất.

Trong khi đó, “ông lớn” thời trang Nhật Bản Uniqlo sẽ đón khách đến mua sắm tại cửa hàng đầu tiên rộng 3.000 m2 tại một trung tâm mua sắm ở quận 1 (TP.HCM) vào cuối tuần sau. Được biết, đích thân ông Yanai Tadashi, Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Fast Retailing (đơn vị sở hữu Uniqlo) – người giàu nhất Nhật Bản sẽ có mặt tại sự kiện này.

Ông Yanai Tadashi từng khẳng định, ngoài sản phẩm may mặc, Tập đoàn sẽ triển khai thêm hệ thống bán lẻ ở thị trường Việt Nam và kỳ vọng sớm được cấp giấy phép xây dựng, giấy phép bán lẻ để mở rộng việc đầu tư kinh doanh.

Trong thị trường thời trang nhanh, còn gọi là thời trang “mỳ ăn liền”, Zara và H&M là hai tên tuổi đặt dấu chân đầu tiên và tạo cơn sốt. “Khi có nhiều thương hiệu quốc tế cùng mở cửa hàng trong cùng trung tâm thương mại, sẽ có nhiều khách hàng đến mua sắm hơn. Điều đó có lợi cho chúng tôi”, ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M Đông Nam Á hào hứng nói.

Thực tế, H&M đang tỏ rõ lợi thế trong sân chơi này. Chỉ trong 2 năm, hãng này đã có 8 cửa hàng tại Việt Nam. Năm 2017, với 2 cửa hàng, doanh thu của H&M đạt 63 triệu USD, nhưng đến năm 2018, doanh thu của nhãn hàng tăng hơn 4 lần, lên 271 triệu USD, nhờ mở rộng lên 6 cửa hàng.

Xoay chuyển chiến lược cạnh tranh

Topshop sụp đổ tại Mỹ sau một thập kỷ bước chân vào thị trường thời trang nhanh. Các “đế chế” thời trang khác như Forever 21, Gap, Old Navy, Banana Republic lâm cảnh khốn đốn trên toàn cầu. Forever 21 đã nộp đơn xin phá sản; tình hình kinh doanh của J.Jill, Canada Goose, Abercrombie & Fitch cũng ảm đạm… Những chấm đen đó hé lộ bức tranh không hoàn hảo chưa từng thấy cho ngành thời trang nhanh, kể từ thập niên 1960.

Dĩ nhiên, mỗi thương hiệu có tôn chỉ thời trang và kế hoạch kinh doanh riêng. Có 4 yếu tố tạo cạnh tranh trong thời trang bán lẻ là giá cả, chất lượng, thời trang, tính bền vững của sản phẩm. Tuy nhiên, mỗi thương hiệu gần như chỉ bám vào được 1 – 2 yếu tố. Chẳng hạn, một số thương hiệu có chất lượng rất tốt, nhưng giá cao; một số thì có tính thời trang, nhưng chất lượng không tốt; số khác thì có giá hợp lý, nhưng chất lượng lại không đồng đều.

“Chúng tôi cân bằng được lợi thế của 4 yếu tố cạnh tranh này”, ông Fredrik Famm nói và khẳng định, đây là chiến lược tham vọng trở thành nhãn hàng “thời trang quốc dân” của H&M. Ngoài tốc độ mở cửa hàng nhanh, giá sản phẩm H&M được người tiêu dùng đánh giá là khá “mềm” vì hãng này muốn mang đến sản phẩm thời trang cho mọi lứa tuổi.

Cùng với các yếu tố cạnh tranh nói trên, có 3 xu hướng lớn của thị trường bán lẻ thời trang đang được các thương hiệu xoay chuyển chiến lược. Đó là: bán hàng đa kênh, thời trang chú trọng tính bền vững và kinh doanh thời trang ứng dụng công nghệ mới.

Mô hình bán hàng đa kênh (vừa có cửa hàng truyền thống, vừa có cửa hàng trực tuyến) đang dần phổ biến với các thương hiệu thời trang. Các nhãn hàng có nhiều cửa hàng truyền thống sẽ có lợi thế hơn khi triển khai kênh trực tuyến, bởi khách hàng sẽ có nơi để tham khảo, lựa chọn – yếu tố rất cần thiết trong lĩnh vực thời trang. Khi chọn mẫu sản phẩm theo kênh truyền thống, nếu hết kích cỡ phù hợp, khách có thể đặt mua qua kênh trực tuyến.

Trong khi đó, thời trang chú trọng tính bền vững là một xu hướng phát triển tất yếu, bởi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và mức độ quan tâm của nhóm khách hàng trẻ đối với sản phẩm họ mua ngày càng cao. Khái niệm thời trang chú trọng tính bền vững bao gồm vật liệu sản xuất phải từ những nguồn bền vững, thân thiện môi trường, thậm chí là nguồn tái chế và ít dùng hóa chất. Quy trình sản xuất đảm bảo các yếu tố tiêu thụ năng lượng, phúc lợi lao động…

Ngành thời trang cũng đang tiếp cận với công nghệ Big Data và Trí tuệ nhân tạo (AI). Với những công cụ này, nhà kinh doanh có thể dự đoán những xu hướng thời trang mới nhất chính xác hơn, ước lượng hàng hóa cung ứng cho từng thị trường, từng cửa hàng hiệu quả hơn nhờ các công cụ số hóa.

Tạo “cơn sốt” khi bắt tay nhà mốt danh tiếng

Thời gian qua, sự xuất hiện của hàng loạt bộ sưu tập giới hạn kết hợp giữa nhà mốt danh tiếng và hãng bán lẻ thời trang đã tạo nên cơn sốt với nền công nghiệp thời trang toàn cầu.

Giá trị ngành công nghiệp thời trang toàn cầu ước tính hơn 3.000 tỷ USD. Một vấn đề đang đặt ra, các tập đoàn thời trang xa xỉ nắm giữ những thương hiệu như Gucci, Prada, Louis Vuitton… lại đang kém doanh số so với một vài tên tuổi bán lẻ như Zara, H&M… Lý do là, các hãng thời trang nhanh đang sử dụng chiêu thức sao chép mẫu mã và đưa ra thị trường ngay sau đó. Sự kết hợp linh hoạt giữa chất lượng và giá cả phải chăng đã giúp các thương hiệu này trở thành lựa chọn hấp dẫn của phần lớn người dân có mức thu nhập trung bình, thậm chí cả với những ngôi sao thích chi tiền cho trải nghiệm hơn là phung phí vào áo quần.

Nhà mốt Giambattista Valli cao cấp đến từ Italy phấn khích khi lần đầu tiên bắt tay H&M tung ra Bộ sưu tập Collab vào ngày cuối của Liên hoan phim Cannes 2019. Bộ sưu tập này được hàng loạt ngôi sao cùng các tín đồ thời trang hưởng ứng. Trong khi H&M chọn vải vóc, phom dáng, kỹ thuật may với “tư duy” công nghiệp, thì nhà mốt này chọn những mẫu được yêu thích nhất tại Giambattista Valli Maison và cải tiến nó cho khách hàng H&M, nhưng tinh thần của Giambattista Valli thì vẫn nguyên vẹn.

Sau cú bắt tay này, H&M thu về khá nhiều triệu USD nhờ sản phẩm bán hết veo chỉ trong một ngày. Trước đó, H&M cũng bắt tay với nhà mốt đến từ Italy là Moschino – một trong những cái tên yêu thích đối với giới trẻ sành mốt từ vài năm trở lại đây. Bộ sưu tập bao gồm cả mảng thời trang nam và nữ, phụ kiện có mức giá 25 – 300 USD.

Trong khi đó, Uniqlo đang theo đuổi chiến lược tạo ra một ngành bán lẻ tiêu dùng kỹ thuật số mới, trở thành thương hiệu số một thế giới trong lĩnh vực sản xuất hàng thời trang cơ bản và rất tích cực gắn kết các mối quan hệ hiện có. Hãng này từng liên kết với công ty vật liệu Toray Industries để tạo ra dòng sản phẩm công nghệ giữ nhiệt; bắt tay với nhà thiết kế thời trang theo phong cách tối giản người Đức – Jil Sander, nhà mốt cao cấp Đài Loan Shiatzy Chen, nhà thiết kế người Mỹ Alexander Wang để tạo ra những bộ sưu tập đặc biệt.

Sự thành công ngoài mong đợi của những lần bắt tay này đã chứng minh sự hòa hợp không tưởng giữa thời trang cao cấp, thời trang đường phố cùng thời trang nhanh. Giới chuyên môn đều phải thừa nhận việc mang các thương hiệu xa xỉ đến gần hơn với mọi tầng lớp khách hàng thông qua những hãng bán lẻ có tầm ảnh hưởng là một bước đi khôn ngoan.

Các nhãn hàng bán lẻ với chiến lược tiếp thị thông minh sẽ giữ chân người tiêu dùng, nâng cao đẳng cấp và kích thích khách hàng khao khát nhiều hơn nữa; các công ty thời trang nhanh như Zara, H&M, Uniqlo thì hiểu được khát khao sở hữu đồ xa xỉ của người tiêu dùng với mức giá bình dân.

Đưa thời trang cao cấp đến gần khách hàng hơn thông qua giá cả, biến chúng thành những phiên bản giới hạn mang lại cho người mua cảm giác thỏa mãn về sự độc quyền. Nhưng khi sản phẩm được sản xuất hàng loạt bằng chất liệu vải trung bình của các hãng thời trang nhanh, thì chất lượng và tính hoàn mỹ chắc chắn sẽ ở mức độ thấp. Đó là chưa kể, những màn hợp tác này này dễ gây nhầm lẫn trong việc định vị thương hiệu, đặc biệt là khi chúng được lặp lại nhanh.

Người tiêu dùng đang ngày càng khó tính. Vì vậy, thay vì chào mời hợp tác kiểu bùng nổ, các thương hiệu nên tìm cách đáp ứng đòi hỏi và nhu cầu của khách hàng, chú trọng tính thẩm mỹ và giá cả để thu hút và giữ chân họ.

Các thương hiệu thời trang nhanh sẽ “sống tốt” tại Việt Nam

5 năm trở lại đây, ngành thời trang nhanh tại Mỹ và châu Âu đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy.

Theo Kênh truyền hình CNBC, chỉ riêng nửa đầu năm 2019, các nhà bán lẻ ở Mỹ đã đóng cửa 5.994 cửa hàng. Hãng nghiên cứu Retail Metrics ước tính, doanh thu ngành bán lẻ thời trang ở Mỹ giảm 24% trong quý I/2019.

Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Statistics Portal (Đức), tốc độ tăng trưởng ngành thời trang giai đoạn 2017 – 2022 là 22,5%/năm. Giới chuyên môn cho rằng, các thương hiệu thời trang nhanh sẽ “sống tốt” tại Việt Nam ít nhất năm ba năm nữa nhờ vào thói quen thích dùng hàng ngoại của người Việt và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao .

Leave Comments

0886055166
0886055166